Nếu như nám da là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai thì tàn nhang lại dễ nổi rõ lên khi da bạn tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Để không phải mất quá nhiều thời gian che giấu những đốm nâu khi make up, bạn có thể tìm cách trị nám da và tàn nhang bằng thuốc bôi, mặt nạ hóa học, laser…
Phân biệt nám da và tàn nhang
Cả hai chứng nám da và tàn nhang đều làm da không đều màu nhưng lại có một số đặc điểm khác nhau đấy.
Nám da
Nám da là tình trạng da xuất hiện những đốm màu nâu, rám nắng hoặc màu xám nâu trên da mặt, môi, trán và cằm. Bệnh nám da khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 20–50 tuổi. Bệnh này ít gặp ở nam giới và phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ châu Á hay da màu.
Tàn nhang
Tàn nhang là những đốm tròn, không lồi màu nâu hoặc be trên da. Những đốm này thường xuất hiện nhiều và sẽ càng xuất hiện trên da nhiều và rõ hơn khi bạn tiếp xúc liên tục với ánh sáng mặt trời. Tàn nhang đặc biệt phổ biến ở những người có tóc đỏ và nước da trắng.
Tàn nhang có thể trở nên sẫm màu hơn và dễ thấy hơn sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhạt màu hơn vào những tháng ít nắng.
Nguyên nhân gây nám da và tàn nhang
Nám da hay tàn nhang đều do sắc tố da phân bố không đều, tuy nhiên nguyên nhân gây ra sự sự phân bố sắc tố không đều này rất đa dạng.
Nguyên nhân gây nám da
Nguyên nhân chính xác gây ra nám da vẫn chưa được biết rõ. Các nhà khoa học cho rằng một số yếu tố sau có thể gây nám da:
1. Ánh nắng mặt trời:
Đây được coi là yếu tố gây nám da hàng đầu, đặc biệt là ở những người có gen di truyền khiến dễ mắc bệnh này. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số người thường bị nám da vào các tháng mùa hè khi ánh nắng mặt trời mạnh nhất. Vào mùa đông, các sắc tố nám da có xu hướng giảm.
2. Tăng nồng độ progesterone:
Phụ nữ mang thai trải qua sự ra tăng hormone estrogen, progesterone và MSH trong suốt tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ. Nám da khi mang thai hay còn gọi là chloasma là do tăng nồng độ hormone progesterone chứ không phải do hormone còn lại. Đây là một trong những vấn đề về da mẹ bầu thường gặp.
3. Liệu pháp hormone thay thế:
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ mãn kinh dùng liệu pháp hormone thay thế thường dễ bị nám da hơn. Những người dùng liệu pháp hormone thay thế nhưng chỉ nhận hormone estrogen sẽ ít bị nám da hơn.
4. Kích ứng da do mỹ phẩm:
Các loại mỹ phẩm hay liệu pháp bạn đang dùng cũng có thể làm tăng sự sản sinh melanin và làm gia tăng các triệu chứng của bệnh nám da.
5. Yếu tố di truyền:
Những người có gen di truyền hoặc có tiền sử gia đình mắc nám da cũng có nguy cơ bị nám da cao hơn.
Da có chứa các tế bào tạo sắc tố melanocyte và các tế bào này tạo ra hắc tố melanin. Melanin giúp bảo vệ làn da khỏi tia cực tím. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kích thích tế bào tạo sắc tố sản sinh ra melanin gây tàn nhang.
Mặc dù những người có da trắng thường có ít sắc tố melanin hơn những người có làn da sẫm màu, nhưng các tế bào tạo sắc tố của họ lại tạo ra nhiều melanin hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Cách trị nám da và tàn nhang hiệu quả
Tùy theo nguyên nhân gây ra tình trạng da không đều màu, cách trị nám da và tàn nhang sẽ có nhiều điểm khác biệt mà bạn nên lưu ý.
Những điều bạn nên biết về cách trị nám da
1. Trị nám da với thuốc thảo dược không kê đơn
Một số sản phẩm trị nám từ thảo dược có chứa axit kojic giúp làm sáng da bằng cách ức chế sự sản xuất melanin. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm này 2 lần mỗi ngày trong vòng 2–3 tháng. Để đạt hiệu quả tối ưu, bạn hãy sử dụng sản phẩm có chứa các thành phần giúp làm sáng da khác như arbutin hoặc vitamin C.
Có 3 loại sản phẩm sau đây đã được chứng minh hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng:
- SkinCeuticals Advanced Pigment Corrector (một loại kem điều chỉnh sắc tố da)
- SkinMedica Lytera Skin Brightening Complex (kem giúp làm sáng da)
- Elure Advanced Skin Brightening Technology (kem làm sáng da công nghệ cao Elure).
2. Điều trị nám da bằng thuốc Tri-Luma
Tri-Luma là một sản phẩm trị nám da dạng kem có chứa 3 thành phần chính:
- Hydroquinone giúp làm sáng da
- Retinoid để tăng cường sự thay thế tế bào
- Corticosteroid giúp giảm viêm
Trong đó, hydroquinone là thành phần quan trọng nhất vì đây là chất ức chế sự sản sinh sắc tố da melanin. Theo kết quả nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện St. Luke’s-Roosevelt, 70% bệnh nhân bị nám da hồi phục tới 75% sau 2 tháng sử dụng Tri-Luma.
Khi bệnh nhân còn sử dụng hydroquinone, sự sản sinh sắc tố melanin sẽ bị ức chế, nhưng khi ngưng sử dụng, nám da sẽ dần dần quay trở lại. Ở những bệnh nhân có da tối màu, điều trị bằng hydroquinone trong thời gian dài khiến da trở nên sẫm màu hơn.
3. Trị nám da bằng mặt nạ hóa học
Nếu bạn không thấy sự nám da cải thiện sau khi dùng một trong các sản phẩm bôi tại chỗ, hãy cân nhắc áp dụng kỹ thuật lột da nhẹ bằng mặt nạ hóa học 1–2 tháng 1 lần. Các hóa chất lột da có chứa axit salicylic có thể giúp cải thiện nám da với ít biến chứng nhất.
4. Điều trị nám da bằng laser
Sử dụng hệ thống tia laser năng lượng thấp, ví dụ như hệ thống Clear + Brilliant Laser là cách an toàn và hiệu quả nhất để trị nám da. Phần lớn mọi người đều cần điều trị 4–6 lần, chi phí mỗi lần điều trị hơn 2.000.000 đồng.
Kết hợp giữa điều trị bằng laser và các liệu pháp điều trị khác như điều trị siêu mài mòn da và một số loại kem bôi như hydroquinone sẽ cho hiệu quả điều trị cao hơn. Tia laser giúp tạo ra những lỗ siêu nhỏ trên da và nhờ đó các sản phẩm kem bôi có thể hấp thụ vào da tốt hơn.
Những điều bạn nên biết về cách trị tàn nhang
1. Trị tàn nhang bằng phương pháp laser
Điều trị bằng laser là sử dụng các xung ánh sáng tập trung, cường độ cao để nhắm vào các vùng da có tàn nhang. Có nhiều loại laser khác nhau. Theo một nghiên cứu năm 2015, 1064 Q-Switched Nd YAG laser là loại giúp điều trị tàn nhang hiệu quả nhất. 62% người điều trị bằng loại laser này trị được 50% số tàn nhang
Nếu bệnh nhân có tiền sử bị herpes miệng thì cần dùng thuốc kháng virus trước khi điều trị bằng laser vì cách điều trị này có thể kích thích sự bùng phát của herpes quanh miệng. Bác sĩ điều trị có thể sẽ kê cho bệnh nhân các loại thuốc hoặc kem điều trị khác trước khi điều trị bằng laser.
Bác sĩ cũng có thể sẽ khuyên tránh một số loại thuốc hoặc sản phẩm trước khi điều trị laser. Vì vậy, bệnh nhân cần cung cấp thông tin cho bác sĩ về bất kỳ loại thuốc hoặc kem đã từng sử dụng.
Thời gian hồi phục sau điều trị laser là khoảng 2 tuần. Bệnh nhân có thể phải thực hiện vài lần để có được kết quả điều trị mong muốn.
2. Trị tàn nhang bằng phẫu thuật lạnh
Phẫu thuật lạnh sử dụng nitơ lỏng cực lạnh để làm đóng băng và tiêu diệt các tế bào da bất thường. Phẫu thuật lạnh nói chung là an toàn, không yêu cầu gây mê và thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra gồm giảm sắc tố, chảy máu và phồng rộp. Phẫu thuật lạnh hiếm khi gây sẹo.
3. Trị tàn nhang bằng kem bôi retinoid
Kem retinoid là một hợp chất vitamin A có thể cải thiện làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và làm sáng tàn nhang. Theo một đánh giá năm 2014, retinoid có thể bảo vệ da khỏi tổn thương do ánh sáng bằng cách hấp thụ bức xạ tia cực tím B. Điều này có thể giúp ngăn ngừa hình thành tàn nhang.
Kem retinoid có thể được kê toa hoặc không kê toa. Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng loại kem này là đỏ, khô, kích ứng da, bong tróc, khiến da nhạy cảm.
4. Dùng kem bôi tẩy trắng điều trị tàn nhang
Các sản phẩm kem tẩy trắng có thể phải kê toa hay không kê toa. Nhiều loại kem có chứa hydroquinone giúp ức chế sản sinh melanin và làm sáng các vùng da tối. Sử dụng kem hydroquinone bôi có thể gây viêm, khô, rát, phồng rộp, đổi màu da.
Năm 1982, FDA chứng nhận các sản phẩm kem làm trắng da có hydroquinone dưới 2% là an toàn và hiệu quả. Nhưng tới năm 2006, một số bằng chứng mới cho thấy hydroquinone có thể gây ung thư ở chuột và làm da bị sẫm màu, biến dạng. FDA đã đề xuất nghiên cứu hydroquinone kỹ hơn nhưng những sản phẩm này vẫn có mặt trên thị trường.
5. Trị tàn nhang bằng lột da hóa học
Đây là phương pháp sử dụng một dung dịch hóa chất để tẩy tế bào chết và làm bóc da ở vùng da bị tổn thương. Bác sĩ sẽ dùng một hỗn hợp chứa nồng độ thấp axit glycolic hoặc axit trichloroacetic có thể thấm vào lớp giữa của da. Sau khi phần da bị tổn thương được loại bỏ, da mới sẽ được hình thành. Tác dụng phụ của cách trị tàn nhang này có thể là ngứa, bong tróc, đỏ, kích ứng, sưng…
6.Trị tàn nhang bằng liệu pháp tự nhiên
Một số biện pháp tự nhiên dùng để loại bỏ tàn nhang tuy chưa được khoa học chứng minh nhưng không gây hại khi sử dụng ở mức vừa phải. Sau đây là những liệu pháp tự nhiên giúp trị tàn nhang mà bạn có thể thực hiện tại nhà:
Mật ong:
Kết hợp mật ong với muối hoặc đường để làm sạch da. Mật ong có thể giúp làm sáng màu da.
Nước cốt chanh:
Dùng một miếng bông bôi nước chanh trực tiếp lên da, sau đó rửa sạch. Nước chanh được cho là có tác dụng làm sáng da.
Sữa bơ:
Bôi sữa bơ hay còn gọi là buttermilk trực tiếp lên da, để 10 phút trước khi rửa sạch bằng nước ấm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo mặt nạ bằng cách kết hợp sữa với bột yến mạch. Sữa bơ có chứa axit lactic giúp làm sáng tàn nhang.
Kem chua:
Thoa kem chua trực tiếp lên da, sau đó đợi vài phút rồi rửa sạch. Kem chua cũng chứa axit lactic như buttermilk.
Sữa chua:
Thoa sữa chua trực tiếp vào da và để yên trong vài phút. Sữa chua cũng chứa axit lactic.
Nám da và tàn nhang tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể khiến bạn mất tự tin mỗi khi soi gương. Bạn có thể áp dụng kết hợp các cách trị nám da và tàn nhang tùy theo nguyên nhân gây ra tình trạng không đều màu này. Hãy luôn bảo vệ da mỗi khi ra nắng và tìm đến bác sĩ da liễu khi thấy những dấu hiệu bất thường bạn nhé.
Xem thêm >>
Top 10 cách trị nám tàn nhang tốt nhất bằng thiên nhiên tại nhà4
Mẹo Trị Sẹo Rỗ Lâu Năm Bằng Phương Pháp Tự Nhiên
3 Loại Nám Da Ám Ảnh Của Phụ Nữ – Điều Trị Nám Tại Rạch Giá (2019)